Chat zalo
0931 040 474

Hotline

0931 040 474

Giải pháp phòng chống hạn và mặn cho cây ăn quả vùng ĐBSCL

Theo: admin - Cập nhật lúc: 02:31:31 - 03/11/2021

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trồng cây ăn trái chủ lực (chiếm khoảng 58% diện tích cây ăn trái toàn miền Nam), với 14 loại trái cây chủ lực (bao gồm xoài, chuối, thanh long, cam, bưởi, nhãn, sầu riêng và một số loại cây trồng khác), đang được quan tâm đầu tư và phát triển khá toàn diện, liên lục tăng trưởng cả về diện tích, sản lượng và giá trị, phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, dưới sự tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đã làm thời tiết thay đổi, hạn hán và xâm nhập mặn đã xuất hiện tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long với tần suất ngày càng nhiều và không theo quy luật đã gây những tổn thất to lớn cho con người, đất đai và sản xuất nông nghiệp nói chung và cây ăn trái nói riêng.

Nước mặn theo sông xâm nhập sâu vào vùng đất liền ngày một trầm trọng, nhất là những tháng mùa khô, với tốc độ 0,5-1 km/năm, kéo dài từ 1-4 tháng/năm. Hiện nay, hầu hết những vùng trồng cây ăn trái tập trung của các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng....đã bị nước mặn xâm nhập. Các nguyên nhân chính ảnh hưởng đến mức độ xâm nhập mặn là dòng chảy của các dòng sông (lượng nước ngọt mùa khô) ở mức thấp, sự xuất hiện của gió chướng nhiều đợt trong mùa khô, kết hợp với hoạt động thủy điện ở lưu vực thượng nguồn cộng với nắng nóng kéo dài và mùa mưa đến muộn. Sự tác động mạnh mẽ và cùng lúc của các nguyên nhân trên, việc xâm nhập mặn trên các sông chính sẽ từ mức độ xâm nhập sâu đến rất sâu, dẫn đến tình trạng diện tích đất trồng trọt và nguồn nước sử dụng trong nông nghiệp bị nhiễm mặn ngày càng tăng. Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Viện Cây ăn quả miền Nam nêu những ảnh hưởng của hạn, mặn đến đất và cây trồng, đưa ra những giải pháp phòng chống cũng như những giải pháp lâu dài để ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn:

 

1. Ảnh hưởng của hạn, mặn đến đất và cây trồng

 

Khi nước mặn xâm nhập vào ao mương trong vườn sẽ tích tụ các muối hòa tan trong đất. Cường độ của quá trình bốc thoát và quá trình tích tụ của muối trong đất và trong nước gia tăng với độ tiếp xúc của nguồn nước mặn, quá trình tích tụ muối càng tăng ở những nơi khô hạn. Do lượng nước không đủ để rửa trôi các dạng muối dễ hòa tan dẫn đến đất bị mặn.

 

Khi tưới nước nhiễm mặn cho cây trồng thì hàm lượng của muối hòa tan cao làm cho áp suất thẩm thấu của dung dịch đất lớn hơn áp suất thẩm thấu của tế bào. Chính sự chênh lệch áp suất này làm cho hệ thống rễ cây không hút nước và dinh dưỡng được, đồng thời làm cho màng tế bào bị phá vỡ dẫn đến cây bị mất nước, héo, trường hợp cây bị ngộ độc Na, Cl nặng sẽ gây chết cây.

 

Đất bị nhiễm mặn gây trở ngại cho sinh trưởng và phát triển cây trồng, gây xáo trộn và mất cân đối sự hấp thu nước và chất dinh dưỡng của cây trồng, mặn gây phá hủy cấu trúc đất, đất bị nén chặt, sự phát triển rễ bị giảm, giảm tính thấm nước và thoát nước, thiếu sự thoáng khí cho vùng rễ.

 

Ảnh hưởng của mặn đối với cây trồng biểu hiện qua các triệu chứng cháy lá, làm giảm sinh trưởng phát triển, ảnh hưởng đến năng suất. Tùy thuộc hàm lượng muối hòa tan trong nước tưới và khả năng chống chịu của từng loại cây trồng, mà xảy ra các trường hợp sau:

 

- Cây bị sốc mặn và rụng lá hàng loạt, trường hợp này do nồng độ muối trong nước tưới cao vượt quá ngưỡng chống chịu của cây trồng nên làm cây bị sốc và rụng lá hàng loạt, có thể dẫn đến chết cây.

 

- Cây không bị rụng lá hàng loạt nhưng lá cây sẽ bị cháy từ chóp lá vào và sau đó lá cũng bị rụng. Tùy theo nồng độ muối hòa tan trong nước và lượng nước tưới cho cây mà số lá trên cây bị cháy và rụng ít hay nhiều. nếu tiếp tục tưới trong thời gian dài sẽ làm cho cây bị rụng lá, hoa, trái và cây suy kiệt dẫn đến chết cây.

 

Khả năng chống chịu mặn của cây ăn trái thay đổi tùy theo giống cây trồng và hàm lượng muối hòa tan trong nước. Tuy nhiên, chúng ta có thể tạm phân nhóm khả năng chịu mặn của một số giống cây ăn trái như sau:

 

+ Nhóm cây mẫn cảm với mặn (chịu được nồng độ mặn 0,5‰ -<1‰): bơ, chuối, nhãn, đu đủ, sầu riêng, chôm chôm, bòn bon, măng cụt…

 

+ Nhóm cây chịu mặn trung bình (chống chịu được nồng độ mặn 1‰-2‰): sơ ri, cây có múi, ổi, vú sữa…

 

+ Nhóm cây chống chịu khá với mặn (chống chịu được nồng độ mặn 3‰-4‰): mít, xoài, mãng cầu…

 

+ Nhóm cây chống chịu tốt với mặn (chống chịu được nồng độ mặn 5‰-6‰): dừa, sapô, me…

 

2. Giải pháp phòng chống hạn và mặn cho cây ăn trái ở Đồng bằng sông Cửu Long

 

Trong điều kiện hạn, mặn như hiện nay, một số giải pháp được khuyến cáo cho nông dân áp dụng để bảo vệ vườn cây ăn trái như sau:

 

+ Củng cố hệ thống đê bao của mỗi vườn cho chắc chắn để tránh nước xâm nhập vào vườn trong những tháng nước mặn.

 

+ Dự trữ nước ngọt trong mương để tưới cho cây ăn trái trong những tháng nước mặn, hoặc dự trữ trong túi nilon dày và đặt dưới gốc cây trồng trong những tháng nước mặn.

 

+ Hạn chế tưới nước nhiễm mặn cho cây trồng khi nồng độ >2‰. Đối với một số cây trồng mẫn cảm với mặn thì không tưới khi nồng độ mặn >1‰.

 

+ Để giảm bốc thoát hơi nước và nhu cầu cần nước của cây nên tiến hành tỉa cành, tạo tán, tỉa bớt hoa và quả trong giai đoạn này.

 

+ Không nên xử lý cây ra hoa trong giai đoạn này nếu nguồn nước tưới không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây khi đậu trái và phát triển trái.

 

+ Tủ gốc giữ ẩm cho cây trồng bằng lá dừa nước, rơm rạ, lục bình, cỏ khô…

 

+ Tăng cường bón phân hữu cơ, lân và Kali, không nên bón phân có chứa Natri và Clo vì sẽ tăng độ độc cho cây.

 

+ Có thể phun phân bón lá có chứa Kali, Canci, Magiê, Silic giúp cây tăng đề kháng, tăng khả năng chịu hạn, chống chọi với nhiễm mặn, cứng cây, không đỗ ngã.

 

Trên chân đất nhiễm mặn và có phèn thì nên bón loại vôi nung (CaO) để vừa rửa mặn vừa hạ phèn, không nên bón các loại phân chua như super lân, DAP, (NH4)2SO4, KCl… làm cho đất càng chua.

 

+ Phun các chế phẩm có chứa các acid amin như Proline (liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất) để tăng tính chống chịu của cây trồng đối với mặn.

 

+ Thường xuyên cập nhật thông tin về dự báo tình hình xâm nhập mặn, nồng độ mặn trên các sông, rạch để có hướng xử lý kịp thời ngăn chặn nước mặn hoặc lấy nước ngọt vào vườn.

 

3. Các giải pháp lâu dài để ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn

 

Hạn hán và xâm nhập mặn đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp ở vùng ĐBSCL, rất khó đối phó và khắc phục trong một thời gian ngắn. Các nhóm giải pháp cần được quan tâm và đầu tư trong thời gian tới là:

 

Tiếp tục đầu tư các hệ thống đê bao, xây dựng hệ thống tưới tiêu (thủy lợi nội đồng) hợp lý nhằm ngăn chặn xâm nhập mặn, phòng chống ngập lụt, đối phó với hạn hán kéo dài.

 

Tăng cường năng lực cho hệ thống cảnh báo và dự báo thời tiết, khí hậu, thủy hải văn và nông nghiệp.

 

Xác định các giống cây trồng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đánh giá mức độ ảnh hưởng và đề xuất hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

Đầu tư nguồn kinh phí cho công tác chọn lọc, lai tạo những dòng/giống cây ăn quả hoặc gốc ghép (cây có múi, xoài, sầu riêng, nhãn, chôm chôm…) chống chịu với những điều kiện bất lợi của môi trường như hạn, phèn, mặn, ngập.

 

Xây dựng các mô hình giống cây trồng thích ứng với điều kiện bất lợi của môi trường nhằm ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu đang xảy ra ở ĐBSCL.

 

Nghiên cứu các tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường và sự phát sinh, phát triển sâu bệnh hại trên cây ăn trái và biện pháp quản lý tổng hợp.

 

Huy Thảo – Phòng BVTV/ ccttbvtv.vinhlong.gov.vn

 
bình luận: 0 Lượt xem: 1082

Bài viết liên quan

Sumo pH - Phương pháp nâng chỉ số pH đất hiệu quả nhanh và ổn định lâu dài

Sumo pH - Phương pháp nâng chỉ số pH đất hiệu quả nhanh và ổn định lâu dài

Phương pháp nâng chỉ số pH đất hiệu quả nhanh và ổn định lâu dài với Sumo pH

SumoFarm: Chỉ số pH đất ảnh hưởng đến chế độ hấp thụ dinh dưỡng của cây trồng như thế nào?

SumoFarm: Chỉ số pH đất ảnh hưởng đến chế độ hấp thụ dinh dưỡng của cây trồng như thế nào?

Chỉ số pH đất ảnh hưởng đến chế độ hấp thụ dinh dưỡng của cây trồng như thế nào?

SumoFarm: Chỉ số pH đất ảnh hưởng đến năng suất của cây trồng như thế nào?

SumoFarm: Chỉ số pH đất ảnh hưởng đến năng suất của cây trồng như thế nào?

Chỉ số pH đất ảnh hưởng đến năng suất của cây trồng như thế nào?

SumoFarm: Tổng quan về Chỉ số pH của đất và những điều quan trọng trong canh tác

SumoFarm: Tổng quan về Chỉ số pH của đất và những điều quan trọng trong canh tác

Tổng quan về Chỉ số pH của đất và những điều quan trọng trong canh tác

Xem thêm
CHẤP NHẬN THANH TOÁN

 momo  

ĐƯỢC CHỨNG THỰC

 

CÔNG TY TNHH SUMOFARM
Địa chỉ: Số 269, Nguyễn Đệ, P. An Hoà, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: 0292 6535 666 – 0931 040 474
Website: www.sumofarmvn.com
YouTube: 
Ruộng Vườn Sumofarm