Cần tăng cường lưu ý trong việc phòng trừ dịch hại, nhằm bảo vệ cây trồng nói chung và cây có múi nói riêng trước biến động phức tạp của sâu bệnh khi thời tiết ngày một khắc nghiệt.
1. Điều tiên quyết của mọi biện pháp phòng trị là phải hiểu biết rõ về dịch hại (tác nhân, triệu chứng, các đặc điểm gây hại và khả năng gây thiệt hại).
2. Biện pháp kỹ thuật canh tác (giống, cách bón phân, xén tỉa cành, cách tưới nước, trồng xen, làm cỏ…) giữ vai trò rất quan trọng trong việc tạo điều kiện cho cây phát triển tốt, chống chịu được sự gây hại đồng thời có thể hạn chế và phòng ngừa được sự gây hại của côn trùng, nhện và các bệnh trên cây ăn trái.
Thiên địch giữ vai trò rất quan trọng trong việc khống chế sự bộc phát của dịch hại (côn trùng và nhện hại): trong điều kiện tự nhiên, sự bộc phát dịch hại (côn trùng, nhện gây hại) thường ít khi xảy ra, đó là do các quần thể dịch hại này thường xuyên bị khống chế bởi nhiều yếu tố của môi trường, gây bất lợi cho sự phát triển của chúng, trong các yếu tố này thì yếu tố thiên địch giữ một vai trò rất quan trọng. Thành phần thiên địch của côn trùng và nhện gây hại trên cây ăn trái rất phong phú, bao gồm rất nhiều loại, nhóm khác nhau như nhóm côn trùng ký sinh, nhóm ăn mồi, nhóm gây bệnh (vi khuẩn, siêu vi khuẩn, nguyên sinh động vật, tuyến trùng thiên địch và cả nấm gây bệnh).
Sự bộc phát côn trùng và nhện chỉ chủ yếu xảy ra trong những vườn đã không còn sự hiện diện phong phú của thiên địch do đã sử dụng quá nhiều (và không đúng) thuốc trừ sâu nói riêng và thuốc trừ dịch hại nói chung, làm tổn hại đến sự sống sót và phát triển của thiên địch, gây mất cân bằng giữa dịch hại và thiên địch.
3. Thuốc hóa học không phải là biện pháp duy nhất được sử dụng để phòng trị côn trùng và nhện trên cây ăn trái. Khi sử dụng thuốc hóa học, cần chú ý:
Hầu hết các loại thuốc trừ sâu hóa học tổng hợp đều là những chất độc đối với thiên địch, môi trường và con người nếu không được sử dụng đúng thuốc, đúng liều lượng và đúng cách. Các loại thuốc hóa học tổng hợp và cả thuốc vi sinh hoặc thuốc điều hòa sinh trưởng cũng có thể gây bộc phát tính kháng ở dịch hại.
Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật sự cần thiết (dựa trên mật số sâu hại, thiên địch, mức độ nhiễm bệnh và gây hại). Vì vậy cần thăm vườn thường xuyên để kịp thời phát hiện dịch hại khi vừa xuất hiện và theo dõi diễn biến của sự phát triển dịch hại và thiên địch cũng như điều kiện thời tiết khí hậu để có biện pháp đối phó kịp thời. Điển hình, nhiều loại sâu (đặc biệt là nhóm sâu ăn lá) mặc dù hiện diện, nhưng không gây hại quan trọng vì cây ăn trái có khả năng đền bù rất cao, không cần thiết phải phòng trị, chỉ phòng trị khi mật số và sự thiệt hại có chiều hướng gia tăng cao.
Nếu phải sử dụng thuốc, cần sử dụng các loại thuốc chọn lọc, ít độc hoặc dầu khoáng. Khi sử dụng dầu khoáng, cần tôn trọng nồng độ khuyến cáo và tránh sử dụng khi trời quá nóng.
Huy Thảo – Phòng BVTV/ ccttbvtv.vinhlong.gov.vn