Dự báo cuối tháng 7, mực nước lũ đầu vụ ở Đồng bằng sông Cửu Long không cao, nên lúa Hè Thu và Thu Đông ít có khả năng bị ảnh hưởng.
Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, số liệu của Ủy hội sông Mê Công Quốc tế (MRC) cho thấy, tại trạm Kratie diễn biến mực nước trong tháng 6 có xu thế tăng nhẹ vào 3 tuần tuần đầu tháng, và giảm vào các ngày cuối tháng. Mực nước bình quân tháng 6 thấp hơn khoảng 2,23 m so với trung bình nhiều năm (TBNN). Đến ngày 29/6, mực nước tại Kratie đạt 8,82 m, thấp hơn 3,55 m so với TBNN, thấp hơn 0,19 m so với 2019 (9,01 m), và thấp hơn nhiều so với 2000, 2018 cùng kỳ.
Diễn biến mực nước Biển Hồ trong tháng 6 ở mức thấp và ít biến đổi. Đến ngày 29/6/2020, mực nước đạt 1,15 m, thấp hơn 4,24 m so với TBNN, thấp hơn 0,59 m so với năm 2019 (1,45 m), thấp hơn 0,42 m so với năm 2015 (1,37 m), thấp hơn nhiều so với năm 2000 và 2011. Dung tích Biển Hồ trong tháng 6 ở mức thấp và ít biến đổi. Đến ngày 29/6, dung tích đạt 0,5 tỷ m3 , chỉ bằng 11% so với dung tích TBNN cùng kỳ, bằng 46% so với năm 2019 (1,09 tỷ m3 ), bằng 54% so với năm 2015 (0,92 tỷ m3 ), thấp hơn nhiều so với năm 2000, và 2011.
Theo kết quả dự báo của Trung tâm Đại dương và Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), chuẩn sai mưa dự báo trên lưu vực hạ lưu sông Mê Công trong tháng 7 hầu hết xấp xỉ và thấp hơn TBNN. Chỉ riêng khu vực Thượng Lào lượng mưa cao hơn TBNN, với chuẩn sai dương từ 0,25–1 mm/ngày.
Triều tháng 7/2020 được dự báo ở mức xấp xỉ TBNN, thấp hơn đỉnh triều tháng 7 của các năm 2018, 2019. Đỉnh triều cao nhất tại trạm Trần Đề đạt 1,63 m vào ngày 22/7.
Tổng lượng lũ từ ngày 01/6 đến 02/7 tại Kratie là 12,69 tỷ m3, thấp hơn tổng lượng lũ TBNN khoảng 12,89 tỷ m3, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm 2019, 2000, 2011 và thấp hơn cả 2015 (năm lũ nhỏ điển hình ) khoảng 2,54 tỷ m3 .
Lũ thượng nguồn sông Mê Công đang ở mức thấp, có xu thế giảm vào cuối tháng 6 và tăng trở lại vào các ngày đầu tháng 7. Mực nước vùng ĐBSCL đang ở mức thấp và biến đổi mạnh theo xu thế triều cường.
Mùa lũ 2020 trên sông Mê Công ít có khả năng đến sớm. Cuối tháng 7 mực nước dự báo lớn nhất đạt 2,3 m tại Tân Châu. Mực nước lũ đầu vụ ở mức không cao, mực nước lớn nhất từ 1,5–2,7 m chỉ tập trung ở đầu nguồn như huyện An Phú, thị xã Tân Châu và huyện Phú Tân của tỉnh An Giang; huyện Hồng Ngự, thị xã Hồng Ngự và huyện Tân Hồng của tỉnh Đồng Tháp. Các khu vực mực nước lớn nhất đạt 0,8–1,5 m chủ yếu tập trung ven sông Tiền, sông Hậu và khu vực ven biển Đông dưới tác động của lũ sông Mê Công và triều cường. Các khu vực ven Biển Tây và sâu trong nội đồng mực nước lớn nhất dưới 0,8 m.
Năm 2020, kế hoạch xuống giống vụ Hè Thu ở ĐBSCL khoảng 1.539.000 ha Tính đến ngày 26/6, cả 3 vùng Thượng, Giữa và vùng Ven biển ĐBSCL đã xuống giống được 1.370.373 ha. Đến nay diện tích đã thu hoạch xong là 348.740 ha. Ước tính đến cuối tháng 7 đầu tháng 8 sẽ thu hoạch xong khoảng 50% diện tích lúa Hè Thu.
Kế hoạch xuống giống vụ Thu Đông năm 2020 khoảng 704.995 ha. Đến nay, đã xuống giống được 198.075 ha, tập trung chủ yếu ở trên địa bàn các tỉnh Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ, và Hậu Giang.
Như đã nói ở trên, dự báo cuối tháng 7, mực nước đạt 2,3 m tại Tân Châu. Với mực nước lũ đầu vụ không cao nên ít có khả năng ảnh hưởng đến các khu vực sản xuất lúa Hè Thu và Thu Đông.
Ứng với mức lũ đầu vụ 2,3 m tại Tân Châu, về cơ bản hệ thống ô bao, bờ bao đáp ứng bảo vệ sản xuất. Tuy nhiên, các khu vực sản xuất nằm ngoài đê bao, đặc biệt là khoảng 20.000 ha lúa Hè Thu ở tỉnh Long An cần theo dõi chặt chẽ và có giải pháp ứng phó kịp thời.
Tuy mực nước đang ở mức thấp, nhưng đã và đang bắt đầu xuất hiện các trận bão và áp thấp nhiệt đới tác động trực tiếp gây mưa lớn trên lưu vực hạ lưu sông Mê Công. Vì vậy, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam kiến nghị các địa phương phải theo dõi chặt chẽ các thông tin dự báo từ các tổ chức như MRC, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, dự báo nguồn nước vùng ĐBSCL của Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam... để xây dựng kế hoạch ứng phó nhanh chóng và kịp thời.
Sơn Trang/nongnghiep